“Chỉ khi bạn lớn lên và bước khỏi cha – hãy rời khỏi cha để đến với gia đình của riêng mình – chỉ tới lúc đó bạn mới hiểu được sự vĩ đại của cha và thực tâm biết ơn điều đó.” - Margaret Truman. Quả là vậy, cuộc sống muôn vàn cánh cửa mới mở ra chào đón chúng ta, khi đã trưởng thành lên một chút bạn nhận ra rằng khoảng cách giữa ta và cha chẳng còn khắng khít như thưở thơ ấu. Thế nhưng dẫu có xa cách, giữa những người thân máu mủ vẫn luôn tồn tại sợi dây liên kết mãnh liệt, đó gọi là tình thân – tình cảm giúp con người vượt lên tất cả. Nếu tình cảm của mẹ nhẹ nhàng như sóng vỗ, ru con à ơi những giấc trưa hè oi ả thì trái lại, tình cảm của cha giống như vầng Thái Dương hùng vĩ, là đôi tay nhuộm màu sương nắng bươn trải với cuộc đời. Đôi tay ấy làm nên tuổi thơ cho con, chở che con qua ngày giông bão. Dù vất vả, nhọc nhằn là thế nhưng cha vẫn âm thầm nuôi con suốt năm tháng trẻ thơ. Cũng vì cha vĩ đại đến thế nên tôi rất quan tâm đến các tác phẩm về tình phụ tử, sự thu hút mãnh liệt của tôi đã giúp tôi biết đến: Cha là bóng cả đời con. Tác giả đã vẽ nên những mẩu chuyện chứa đựng biết bao cảm xúc và tôi tin chắc rằng ai cũng một lần nên đọc qua để bật khóc khi nghĩ đến người cha tần tảo của mình.
Tóm tắt
Cuốn sách nằm trong bộ sách “Sống có giá trị” do trung tâm ATY biên soạn, được nhà xuất bản Đại học Sư Phạm TP. Hồ Chí Minh ấn hành năm 2017. Cuốn sách dày 180 trang in trên khổ 13 x 20cm. Cha là bóng cả đời con không chỉ là một câu chuyện dài xuyên suốt mà tập hợp tất cả những truyện về tình phụ tử thiêng liêng, về sự cao cả, phi thường mà một người cha bình thường có thể làm cho gia đình yêu dấu của mình. Từ đó độc giả có thể nhìn thấy bản thân trong từng trang giấy, tự nhủ ra những bài học quý giá về sự quan tâm, hy sinh, trách nhiệm trong gia đình để có thể nung nấu tình thân một cách đúng đắn nhất. Cuốn sách là một lời nhắn sâu lắng giúp ta suy ngẫm lại về cuộc đời của những người cha, cùng với các mẩu truyện sáng giá đã khắc ghi mãi trong lòng ai đã đọc qua. Tình cha con không chỉ là cho những cái bánh, cái kẹo mà còn là những điều vĩ đại hơn thế, cha có thể cho con cả cuộc đời cha đang sống. Trên đời này ngoài cha mẹ ra chẳng một ai yêu con vô điều kiện.
Cuốn sách chỉ với 36 chương truyện nhưng không một chương nào làm tôi thất vọng, tôi cảm thấy bản thân học được nhiều bài học hơn mà nó không đơn thuần là sự yêu thương của người cha. Bất cứ người cha nào cũng đầy tình thương khôn xiết chỉ là với bản tính chủ cột trong gia đình mà dường như sự thể hiện tình cảm là chai sần và quá khó khăn với họ. Nhưng dẫu nó có khác biệt tới đâu mong bạn vẫn yêu cha theo sự khác biệt ấy, đó cũng chính là ngôn ngữ kì diệu của tình phụ tử.

Những mẩu truyện tuần tự lướt qua và dòng cảm xúc cứ dâng trào trong tôi không ngừng, mắt luôn tuôn trào những giọt nước mắt, hạnh phúc có, đau buồn cũng có. Cha không hoàn hảo, thậm chí cha không giỏi giang, sung túc như bao người khác nhưng trên đời này, cha là người đàn ông chấp nhận đánh đổi mọi thứ cho con. Người đàn ông ấy dùng đôi bàn tay thô ráp, chai sạn dìu bước chân chúng ta đi, người đó chưa từng nói lời yêu nhưng mọi hành động đều là yêu, là thương đến vô tận. “Có thể cha là một người không hoàn hảo nhưng sẽ thương con theo cách hoàn hảo nhất!”. Câu nói sâu sắc ấy dường như rất đúng với câu chuyện nhỏ “Tô Mì” trong tác phẩm Cha là bóng cả đời con. Câu chuyện mở đầu cùng khung cảnh lạnh lẽo của mùa đông, trước cửa quán xuất hiện hai cha con, điều đặc biệt ở đây là người cha bị mù.
“Cậu con trai tiến đến trước mặt tôi: "Cho cháu hai bát mì bò!", cậu nói to. Tôi đang định viết hóa đơn, thì cậu ta hướng về phía tôi và xua xua tay. Tôi ngạc nhiên nhìn cậu ta, cậu ta nhoẽn miệng cười biết lỗi, rồi chỉ tay vào bảng giá treo ở trên tường, bảo tôi rằng chỉ làm một bát mì cho thịt bò, bát kia chỉ cần rắc chút hành là được. Lúc đầu, tôi hơi hoảng, nhưng sau đó chợt hiểu. Hóa ra, cậu ta gọi to hai bát mì thịt bò như vậy là cố tình để cho người cha nghe thấy, thực ra thì tiền không đủ, nhưng lại không muốn cho cha biết. Tôi cười với cậu ta tỏ vẻ hiểu ý.
Nhà bếp nhanh nhẹn bê lên ngay hai bát mì nóng hổi. Cậu con trai chuyển bát mì bò đến trước mặt cha, ân cần chăm sóc: "Cha, có mì rồi, cha ăn đi thôi, cha cẩn thận kẻo nóng đấy ạ!". Rồi cậu ta tự bưng bát mì nước về phía mình. Người cha không vội ăn ngay, ông cầm đũa dò dẫm đưa qua đưa lại trong bát. Mãi lâu sau, ông mới gắp trúng một miếng thịt, vội vàng bỏ miếng thịt vào bát của người con. "Ăn đi con, con ăn nhiều thêm một chút, ăn no rồi học hành chăm chỉ, sắp thi tốt nghiệp rồi, nếu đỗ đại học, sau này làm người có ích cho xã hội". Người cha nói với giọng hiền từ, đôi mắt tuy mờ đục vô hồn, nhưng trên khuôn mặt đầy nếp nhăn lại sáng lên nụ cười ấm áp. Điều khiến cho tôi ngạc nhiên đó là cậu con trai không hề cản trở việc cha gắp thịt cho mình, mà cứ im như thóc đón nhận miếng thịt từ bát của cha, rồi lại lặng lẽ gắp miếng thịt đó trả về.
Cứ lặp đi lặp lại như vậy, dường như thịt trong bát của người cha cứ gắp đi rồi lại đầy, gắp mãi không hết. "Cái quán này thật tử tế quá, một bát mì mà biết bao nhiêu là thịt". Ông lão cảm động nói. Kẻ đứng ngay bên cạnh là tôi, chợt toát hết cả mồ hôi, trong bát chỉ có vài mẫu thịt tội nghiệp, quắt queo bằng móng tay, lại mỏng chẳng khác gì vác xe. Người con trai nghe vậy vội vàng tiếp lời cha: "Cha à, cha mau ăn đi, bát của con đầy ắp không biết để vào đâu rồi đây này". "Ừ, ừ, con ăn nhanh lên, ăn mì bò có chất lắm đấy".
Hành động của hai cha con đã khiến cho toàn bộ người trong quán ăn phải xúc động, kể cả độc giả cũng không khỏi mủi lòng. Tình cảm cha con của họ đến từ tâm hồn, không xuất phát bằng đôi mắt. Dù đôi mắt bị mù khiến ông chỉ nhìn thấy màu đen thẳm, đứa con chính là ánh sáng rạng rỡ nhất, là đôi mắt thứ hai của ông, nó chiếu sáng và an ủi nỗi đau, tình cảm thiêng liêng làm ông quên đi bản thân. “Không phải máu thịt mà chính trái tim chúng ta là cha con”, đây là một câu nói tôi từng nghe khi con thơ bé và tôi mong rằng ai cũng một lần đọc qua, cốt lõi của tình thân là sự gắn kết chặt chẽ và có mối liên hệ không thể xoá bỏ, cho dù có đi xa cách ngàn dặm trái tim ta vẫn in dấu hình ảnh người cha, người mẹ, người con thân thuộc.
Đã bao giờ bạn cảm thấy xa cách với cha, người đàn ông trong gia đình và luôn đặt câu hỏi: Sao cha không thương mình như mẹ nhỉ? Điều đó xảy ra ở rất nhiều gia đình, vốn dĩ là một người cha không ai lại không quan tâm đến con cái, ấy vậy mà khoảng cách thế hệ khiến cha ngập ngừng thể hiện tình cảm với con. Thế nhưng những điều vốn không đẹp đẽ gì mấy lại là món quà Thượng Đế ban tặng nhân loại.
Giống với lời Thượng Đế nói, người ban cho cha những điều ta tưởng rằng vô ích như đôi bàn tay chai sần, gân guốc xấu xí. Đôi bàn tay ấy không thể ôm con vào lòng nhưng sẵn sàng kéo xe trượt tuyết, giữ xe thăng bằng, để bọn trẻ tựa đầu ngủ từ đường về nhà từ rạp xiếc. Hình dáng mạnh mẽ, uy dũng của cha đã giúp đứa trẻ sống trong sự bảo vệ an toàn nhất. Cha chỉ là hạt bụi ngoài kia, vô cùng nhỏ bé trong vũ trụ ấy vậy lại cực kì vĩ đại trước con. Cha là cái bóng mà con muốn bước cùng những năm tháng tươi đẹp.
Đã bao giờ bạn nói lời yêu, lời thương với cha mình chưa? Những câu tưởng chừng thân thuộc và dễ dàng như trên phim truyền hình đôi khi lại khó cất thành lời ở hiện thực. “Con yêu cha” – chắc hẳn trong thâm tâm mỗi người con đều muốn bày tỏ. Chúng ta đang sống trong thời đại mà mọi thứ đều đang phát triển và thời gian cứ mãi trôi, cơm áo gạo tiền đôi khi làm nhoè đi sự yêu thương trong tâm khảm con người. Vậy nhưng nếu chỉ lo đến danh phận, địa vị ngoài kia, một ngày nào đó khi nhìn lại cha đã không còn ở đó chờ đợi chúng ta nữa. Biết đâu ngày mai là lần cuối, hay chính là hôm nay? Có ai mà nói trước được, bởi vòng xoay số mệnh luôn luân hồi, con người ta chẳng thoát khỏi thời gian và sinh tử. Chính vì thế tôi thật lòng mong chúng ta nói lời yêu nhiều hơn, quan tâm và chăm sóc cho những người thân, vì có lẽ mỗi giây trôi qua đều có thể là lần cuối nên việc lưu trữ kỉ niệm đẹp trong bộ nhớ lại rất quan trọng. Trong cuốn sách có một câu chuyện về sự chia li giữa cha và con, cô con gái tạm biệt cha ở sân bay để đến một nơi cách nửa vòng Trái Đất và giữa họ đã có cuộc hội thoại cảm động.
Người cha trong câu chuyện đã nghĩ tới những viễn cảnh sau đó, lời nói tưởng nhẹ nhàng nhưng lại đau buồn khó tả. Ông không muốn xa con nhưng vẫn phải chào con với tất cả niềm hy vọng, tự hào và thương yêu. Ông mong rằng ở nửa bán cầu xa xôi kia cô con gái bé nhỏ có thể sống một cuộc sống an nhiên, hạnh phúc, đủ đầy không quá đau khổ. Chỉ có tấm lòng người làm cha, làm mẹ mới thành thật đến thế, họ có thể đánh mất bản thân nhưng muốn con có tất cả không thiếu thứ gì. Tình cảm ấy quá vĩ đại, một hai câu nói không thể bộc lộ ra hết. Vậy cớ sao bạn chỉ mất vài giây để nói ra lại không nói, thời gian của cha càng ngày càng rút ngắn, chũng ta càng lớn cha lại già thêm vài tuổi. Mỗi câu chuyện là tình thương yêu vô bờ của người cha, nó luôn chạm sâu vào trái tim độc giả.
Cảm nhận cá nhân
Cha với tôi là một người rất tuyệt vời, là người vụng về nhưng sẽ cố gắng học để làm cho tôi, là người mặc mưa gió để mua thuốc nấu cháo khi tôi đổ bệnh. Dẫu ngoài kia cuộc sống tấp nập, tôi vẫn thực tâm mong lòng ba mãi an nhiên, đừng quá bận rộn bởi tôi biết ông đã vất vả như thế nào để kiếm từng đồng nuôi gia đình. Giờ đây khi khôn lớn, lâu lâu tôi chợt quên mất ánh nhìn của cha, sự ấm áp và bảo vệ tôi những khi khó khăn đã giúp tôi vực dậy rất nhiều. Cha không an ủi tôi bằng lời nói, cha làm bằng hành động và từng cử chỉ của cha giúp tôi tin tưởng hơn vào bản thân. Vì thế tôi cũng mong mình đủ vững vàng và chính chắn để phụ giúp cha nhiều. Triết gia Cicero từng nói: “Trên Trái Đất này không có món quà nào ngọt ngào bằng tình thương của người cha cho con mình.” Quả là vậy, từng câu chữ, từng trang truyện trong cuốn sách Cha là bóng cả đời con đã chứng minh điều đó. Khép lại 36 trang truyện vừa cảm động vừa sâu sắc, chắc hẳn rằng ai cũng bồi hồi và hoài niệm những khoảnh khắc đẹp đẽ với cha. Cha không có cách thể hiện tình cảm như mẹ nhưng tình cảm họ dành cho chúng ta là vô ngần chẳng thể nói thành lời. Sau khi đọc xong, tôi mong các bạn sẽ trân trọng phút giây này hơn, dành nhiều thời gian cho cha và nói lời yêu với ông.
Nguồn: Đào Mai Tuệ Minh - Bookademy